N.K.K., 19 tuổi, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Do răng khôn hành đau
nhức, nhai khó nên K. tự mua thuốc uống, bệnh chẳng những không hết mà
má sưng lên, toàn thân sốt. K. vội vào Bệnh viện Mắt-răng-hàm-mặt TP
Cần Thơ. Các bác sĩ bảo nếu đến trễ sẽ gây nhiều biến chứng khác.
BS Phan Thanh Tường, làm việc ở bệnh viện trên, cho biết răng khôn
mọc lệch gây các tai biến chiếm tỉ lệ khoảng 20% các bệnh về răng - hàm
- mặt. Việc nhổ bỏ nên thực hiện sớm vì mức độ khó khăn của phẫu thuật
cũng như các biến chứng sau phẫu thuật sẽ càng ít nếu tuổi của bệnh
nhân càng trẻ.
Theo BS Tường, bốn chiếc răng lớn ở bốn góc hàm trong cùng thường
mọc vào khoảng 18-25 tuổi, là thời kỳ con người đã trưởng thành nên gọi
là răng khôn. Có lẽ do mọc sau cùng nên răng khôn, đặc biệt là hai răng
khôn hàm dưới (răng số 8), thường bị thiếu chỗ làm răng mọc lệch lạc
không đúng vị trí, răng bị kẹt không thể mọc lên hoàn toàn hoặc ngầm
trong xương hàm. Lúc này lợi trùm lên răng, thức ăn và vi khuẩn giắt
vào túi lợi gây viêm mủ.
Nhớ khám định kỳ
Cũng theo BS Tường, răng khôn mọc “dại” dễ bị bệnh nha chu hoặc bị
viêm quanh thân răng. Lúc đó, nướu xung quanh thân răng sưng đỏ, vùng
má dưới cũng sưng phồng lên, bệnh nhân đau nhiều, nhai khó, nuốt khó,
há miệng khó, có khi cứng hàm hoàn toàn. Bệnh có thể có những triệu
chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi. Càng nhập viện trễ biến chứng càng
nhiều, có thể bị viêm lan vào xương hàm gây ra cốt tủy viêm, lâu ngày
làm xương bị chết, cá biệt có trường hợp lây lan toàn thân, tạo ra
nhiễm trùng máu gây nguy hiểm tính mạng.
BS Tường nói riêng ở TP Cần Thơ, phần lớn bệnh nhân đều đến muộn bởi
cứ nghĩ đau răng thông thường, tự ý mua thuốc uống, đến khi mặt bị
sưng, đau quá mới chịu nhập viện như trường hợp trên. Đã có trường hợp
nhập viện rất muộn, gây biến chứng nhiễm trùng máu tử vong. Ngoài ra
nếu đến khám sớm, nhổ sớm răng số 8 sẽ bảo trì được răng số 7 và các
răng khác. Lý do là ngoài những tai biến trên, răng khôn hàm dưới còn
gây tổn thương răng số 7 trước nó khiến thức ăn vướng vào dễ dẫn đến
sâu răng, tiêu chân răng… hoặc có thể đẩy các răng khác ra phía trước,
làm các răng này xô lệch và mọc chen chúc nhau…
BS Nguyễn Thị Tuyết Thu, phó khoa răng-hàm-mặt của bệnh viện, hướng
dẫn để tránh xảy ra tình trạng trên, ngoài việc giữ gìn vệ sinh răng
miệng đúng cách, ngay từ khi trẻ mọc những chiếc răng đầu tiên được sáu
tháng hãy cho trẻ làm quen với nha sĩ và có các cuộc khám định kỳ,
thường xuyên. Khi trẻ được 12- 15 tuổi, tức là trước khi răng khôn nhô
ra khỏi lợi, cha mẹ đưa trẻ đi khám và chụp X-quang hàm răng để phát
hiện mầm răng. Nếu chiếc răng khôn có thể làm xiên xẹo hàm răng, nha sĩ
sẽ gắp bỏ mầm răng. Bởi răng chưa có chân nên chuyện lấy bỏ cũng không
khó. Còn nếu thấy bất thường thì đến bệnh viện chuyên khoa, điều trị
ngay từ đầu.
Đôi khi mọc lệch lại có ích
Không
phải tất cả răng khôn đều cần loại bỏ khỏi cung hàm, ngay cả các răng
khôn lệch cũng có thể có ích trong một số trường hợp nhất định. Ví dụ,
với sự phát triển của kỹ thuật và vật liệu chỉnh nha, ngày nay người ta
có thể dựng đứng một răng khôn lệch và điều chỉnh cho nó ngay ngắn để
thay thế một răng hàm kế cận đã mất. Hoặc trong một số trường hợp răng
khôn sau khi đã được chỉnh hình có thể được dùng để làm trụ cho một cầu
răng, hoặc được dùng làm răng mang móc cho một hàm giả tháo lắp.
Việc
quyết định có hoặc không nhổ răng khôn, đặc biệt là răng khôn mọc lệch
trên cung hàm tùy thuộc nhiều yếu tố. Bác sĩ sẽ khám kỹ lưỡng để có cái
nhìn tổng thể về sự phát triển và những thay đổi của hàm răng, từ đó
đưa ra các quyết định với từng trường hợp cụ thể.
Điều
quan trọng trong mọi trường hợp là bệnh nhân nên khám răng định kỳ và
tham khảo ý kiến bác sĩ về tình trạng răng miệng của chính mình để có
thể điều trị kịp thời, nhằm tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra
với tất cả các răng và nướu trên cung hàm.
BS Nguyễn Văn Khoa (BV Răng hàm mặt T.Ư, TP.HCM |